Mỗi kênh khác nhau thì sẽ có những đặc thù khác nhau như: cách thức hiển thị, hành vi của người dùng, policy về nội dung,… Email cũng không ngoại lệ, bài viết này được biên soạn cực kì chi tiết từ hàng ngàn chiến dịch email marketing để hướng dẫn bạn tất tần tật về cách viết email marketing hiệu quả cao.
Nếu bạn là người mới tìm hiểu về Email Marketing hãy bắt đầu tìm hiểu từ đây:
Xem thêm: Email Marketing là gì? Định nghĩa & Hướng dẫn tổng quan
Kiến thức nền tảng
Trước khi viết email marketing, bạn nên tham khảo qua công thức 5W 1H dưới đây dành cho content trước khi đi sâu vào bài viết để tối ưu content này cho kênh Email.
Who
- Đối tượng bạn muốn truyền tải thông điệp là ai?
- Nỗi đau của họ là gì, họ muốn nhận được thông tin gì, họ mong muốn được giải quyết điều gì?
What
- Bạn viết cái gì để gửi tới đối tượng của mình?
- Từ việc xác định được Who? bạn sẽ suy ra What? và bạn sẽ biết mình cần phải viết nội dung gì để gửi tới họ
Where
- Đối tượng của bạn xuất hiện ở đâu? Ví dụ: facebook, email, insta, tiktok,…
- Where thực chất là channel, đối tượng của mình ở đâu thì mình sẽ truyền tải nội dung ở đó.
When
Khi nào thì đối tượng của bạn sẽ xuất hiện để có thể thấy được nội dung mà bạn muốn truyền tải?
Ví dụ nếu khách hàng của bạn xuất hiện trên facebook thì thời điểm tốt nhất là khi nào? Đăng bài khi nào thì sẽ nhận được nhiều tương tác nhất?
Why
Viết, trình bày như thế nào để phù hợp với: Who, Where, Why?
Trong phần còn lại của bài viết, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cách viết hiệu quả và tối ưu nhất dành riêng cho kênh email.
Tạm thời sẽ chia cấu trúc của Email thì 2 phần: Tiêu đề sendername, và nội dung Email.
Các bạn tham khảo nội dung được chúng tôi trình bày theo trình tự ở dưới đây, chắc chắn sẽ tạo ra được những email hiệu quả và nắm vững được cách viết email marketing.
Cách viết tiêu đề Email Marketing
Tiêu đề email đóng 1 tầm quan trọng rất lớn bởi nó có thể ảnh hưởng đến cả 2 yếu tố:
Khả năng vào hộp thư chính
Để email của bạn không bị các bộ lọc spam đưa vào hộp thư quảng cáo hay spam thì bạn phải tránh xa hoặc hạn chế đến mức tối thiểu các từ ngữ như: quảng cáo, đặt hàng ngay, khuyến mãi, giảm giá, chiết khấu, ưu đãi,…
Ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ lệ mở của chiến dịch email marketing
Khi người dùng kiểm tra email của mình, điều họ thấy là rất nhiều tiêu đề email trong hộp thư của họ, do đó tiêu đề của bạn phải thật sự ấn tượng, thu hút và đúng mối quan tâm để họ có thể đọc thư của bạn.
Mẹo: Ngoài tiêu đề ra thì Sender name cũng quan trọng không kém, nếu bạn là 1 brand hoặc cá nhân có sự tương tác quen biết với khách hàng – hãy đặt nó làm sender name và không quên chèn logo hoặc hình ảnh avatar của bạn vào để khách hàng dễ dàng nhận ra bạn.
Vậy làm sao để tạo ra những tiêu đề thật sự ấn tượng?
Với giả định, bạn đã xác định được mình gửi email cho ai (Who?), viết gì để gửi tới cho họ (What?) và bây giờ chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn các cách viết tiêu đề email marketing cực chuẩn, nó sẽ giúp bạn tăng đáng kể lượt mở đấy!
Do tiêu đề email hiển thị hạn chế nên các bạn cố gắng viết độ dài dưới 50 từ là ổn và kết hợp cá nhân hóa tên người nhận email để tạo ra cảm giác thân thiện.
Những kiểu tiêu đề Email ấn tượng
Tận dụng tâm lý “Sợ bị bỏ lỡ”
Đây là một nguyên tắc về tâm lý: con người rất sợ bị bỏ lỡ cái gì đó. Bạn có thể ứng dụng nguyên tắc này vào cách viết tiêu đề email marketing bằng cách thêm các yếu tố khan hiếm vào như hạn chế có sẵn hoặc hạn chế về thời gian.
Và thực tế là các dòng tiêu đề email có chứa từ ngữ nhạy cảm về thời gian như là: Khẩn cấp, quan trọng, chỉ hôm nay, sắp hết hạn,… thường sẽ có tỉ lệ mở email vượt trội hơn hẳn so với dòng tiêu đề thông thường cùng nội dung. Và sẽ tuyệt hơn nữa nếu kết hợp với cá nhân hóa người nhận.
Ví dụ:
- Anh Nam ơi, anh đang bỏ lỡ cơ hội tăng gấp đôi thu nhập với Affiliate Marketing
- Chị Nữ ơi, nhận ngay 500K mua sắm trước khi nó biến mất hôm nay
- Cơ hội cuối cùng nhận full khóa học Digital Marketing
Tận dụng Tính tò mò
Vâng, chính xác là trong mỗi chúng ta, cả bạn và tôi và tất cả mọi người trên thế giới này đều luôn có tính tò mò. Vì vậy, ứng dụng nó vào để tạo nên 1 dòng tiêu đề email thu hút là cực kì hiệu quả.
Bạn có thể khiến người ta tò mò bằng cách đặt 1 câu hỏi, hứa hẹn điều gì đó hoặc đơn giản là nói 1 điều gì đó có vẻ là lạ hoặc bất thường.
Ví dụ:
- Bạn có biết công việc hàng ngày của Marketing Manager?
- Làm sao để có thu nhập 8 số với nghề content marketing?
- Món quá bất ngờ từ …
- Tại sao khách hàng không chọn bạn?
- Ổn định doanh số mùa Covid bằng bí kíp này
Tận dụng Tính tự phụ, thích được khen và tôn vinh
Một phần trong con người là bản tính tự phụ, họ thích được khen, được tôn vinh và điều đó gây cho họ những cảm xúc đặc biệt.
Để tận dụng được điều này trong dòng tiêu đề email, bạn cần phải gợi ý cho khách hàng, hứa hẹn với họ một điều gì đó có thể giúp họ đẹp hơn, được tôn trọng hơn trong mắt bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Hoặc gợi nên nỗi sợ bị xấu hổ của họ.
Ví dụ:
- Bộ phụ kiện dành cho người chạy bộ chuyên nghiệp và sành điệu
- Da của bạn sẽ trắng hơn với món quà từ thiên nhiên này.
- Eo bạn sẽ thon hơn với đầm body mới nhất của…
Tận dụng Tính tham lam
Đọc tới đây, có thể bạn cho rằng mình không phải là một người tham lam, nhưng điều này có thể không còn đúng khi bạn đứng trước một deal – thỏa thuận tuyệt vời và nó hoàn toàn có lợi dành cho bạn. Thậm chí, đó là những thỏa thuận cho những món đồ mà bạn không thật sự cần ở hiện tại.
Đó là lý do, tại sao các chương trình giảm giá, ưu đãi, tặng kèm vẫn luôn là những chiến dịch marketing mang vượt trội so với những lúc các chương trình này không diễn ra.
Ví dụ:
- Vài sản phẩm giá cực tốt dành cho anh Nam
- Miễn phí vận chuyển tới hết ngày…
- -25% cho tất cả các sản phẩm tới hết ngày…
Bạn có thấy mẫu thuẫn không khi ở trên chúng tôi có đề cập tới những tiêu đề có chứa nội dung như miễn phí, giảm giá,… thường sẽ vào spam hoặc promotion.
Không sai, tuy nhiên đối với email bán hàng và quảng cáo như thế này thì bạn buộc sẽ phải sử dụng những keyword đó.
Do đó, đối với cách viết email marketing quảng cáo thì bạn phải hạn chế dùng ở mức tối thiểu, ở cả dòng tiêu đề và nội dung (rõ hơn ở phần sau).
Và điều này cũng đồng nghĩa tỉ lệ email vào mục quảng cáo hoặc spam cũng sẽ cao hơn thông thường.
Tận dụng Sự lười biếng
Lười thì ai cũng có lúc lười, lười phải suy nghĩ, lười phải tổng hợp logic thông tin, lười đủ thứ. Họ muốn có 1 cái gì đó có sẵn mà mình có thể áp dụng ngay mà ko cần phải quá vất vả tìm hiểu.
Do đó, hãy tận dụng điểm này, hãy giúp cho họ đạt được mục tiêu một cách nhanh nhất bằng cách cung cấp các giá trị miễn phí, để họ có thể tiết kiệm thời gian, năng lượng. Những email như thế này cực kỳ phù hợp để nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng.
Ví dụ: khi bạn subscribe vào hệ thống của TriggerM, bạn sẽ nhận được rất nhiều những email, ebook cung cấp các kiến thức, kinh nghiệm, case về email marketing, automation marketing… Và cái hay ở đây là những email này được gửi hoàn toàn tự động thông qua chuỗi Email Marketing được setup sẵn.
Ví dụ:
- Template 22 campaign tự động cho chiến dịch automation
- 5 bước để tối ưu quảng cáo chuyển đổi
- Danh sách 10 việc phải làm để tối ưu onpage
Tận dụng Nỗi đau của khách hàng
Để khai thác được nỗi đau của khách hàng thì buộc bạn phải hiểu đúng về khách hàng của mình. Các dòng tiêu đề nếu đánh đúng vào nỗi đau của họ chẳng khác gì “gãi đúng chỗ ngứa” của họ vậy, họ sẽ ngay lập tức bấm vào xem nội dung bên trong, và thực hiện hành động chuyển đổi nếu nội dung hay và CTA đủ mạnh.
Ví dụ:
- Nâng cao chất lượng Lead với hệ thống Automation Marketing
- Đánh bay 10kg trong 60 ngày không ăn kiêng vất vả
Trên đây là cách viết tiêu đề email marketing thu hút và có thể tạo ra tỉ lệ mở email tăng vượt trội. Tiếp theo chúng ta cùng tìm hiểu về cách viết email marketing phần nội dung email nhé.
Cách viết nội dung Email Marketing
Đầu tiên phải đảm bảo nội dung phù hợp với tiêu đề, tránh trường hợp tiêu đề rất hay và cuốn nhưng khi vào đọc nội dung thì chất lượng lại không đúng như kì vọng, điều này dẫn tới trải nghiệm không tốt và sẽ phản tác dụng.
Chúng tôi sẽ có những gợi ý cho bạn để có thể tạo ra những email vừa có tính chuyển đổi cao vừa phù hợp với đặc thù của kênh Email.
Cách soạn Email Marketing cũng giống như viết 1 lá thư (bản chất nó là thư điện tử). Do đó, trong 1 email cần phải có lời chào, nội dung và phần ký tên. Nhất định phải có đầy đủ nội dung chi tiết như bên dưới nhé.
Lưu ý:
- Kích thước email có độ rộng từ 600-650px, nếu quá rộng hoặc quá hẹp thì khi nó hiển thị trên nhiều thiết bị sẽ không được như ý muốn.
- Chiều dài Email sẽ không có giới hạn, tuy nhiên, bạn hãy cố gắng cho nó càng ngắn càng tốt, đừng cố nhồi nhét quá nhiều thông tin vào email, người nhận mail thấy dài quá là họ không muốn đọc nữa rồi
- Dung lượng Email nên cho nó vài trăm kb thôi, dung lượng nó sẽ ảnh hưởng tới khả năng gửi mail của server, càng nặng thì nó sẽ gửi càng chậm
- Trong Email thì chỉ nên để 1-2 hình ảnh hoặc không có càng tốt cho phần nội dung (không tính logo, icon,…), mỗi hình ảnh chỉ nên nặng dưới 300kb
Phần lời chào
Lời chào là bắt đầu của một cuộc hội thoại, do đó, làm sao để nó trở nên thân thiện, gần gũi và mang tính gợi mở, dẫn dắt nội dung.
Do đó, hãy cá nhân hóa lời chào, điều này bạn có thể làm trong bất cứ một nền tảng email marketing nào. Cơ chế là nó sẽ cung cấp cho bạn một shortcode ví dụ như [contactfield=firstname], khi gửi tới một khách hàng nào đó, nó sẽ tự động lấy thông tin tên của người đó vào nội dung Email.
Ví dụ, một người được lưu trong hệ thống với tên là “Dức” (Đức nhưng khách nhập sai chính tả) và xưng hô là “Anh”, sau khi cá nhân hóa với shortcode: [contactfield=xungho] [contactfield=firstname] thân mến thì hệ thống sẽ lấy thông tin cá nhân của từng người ra để gửi giống như hình ảnh bên dưới.
Phần nội dung chính
Ở phần nội dung bạn phải triển khai ý của tiêu đề email một cách mạch lạc, đầy đủ, ngắn gọn và đảm bảo thể hiện đầy đủ sự mong đợi khi khách hàng đọc tiêu đề. Mỗi đoạn dài khoảng 2-3 dòng nên enter xuống dòng để dễ đọc.
Ở đây chúng ta sẽ không đi bàn quá sâu vào việc viết như thế nào để hút khách hàng, phần này tùy thuộc vào từng ngành, từng đối tượng khác nhau, tuy nhiên bạn có thể tham khảo công thức 5W 1H ở đầu bài để áp dụng nhé.
Nội dung trọng tâm ở đây là bạn phải đạt được mục đích của mình, để đạt được điều này thì buộc bạn phải chèn thêm các lời kêu gọi hành động vào.
Ví dụ: Nếu bạn muốn đưa khách hàng về website để đọc hết nội dung, hãy chèn 1 button “Xem chi tiết”; “Khám phá thêm”; “Xem thêm ngay”,…
Phần cuối Email
Cuối thư bạn nên để lại chữ ký, tại sao bạn lại gửi email tới khách hàng.
Ở Phần lời chào cá nhân hóa bị sai tên do khách hàng nhập sai. Nhiều bạn nếu như vậy thì không hay lắm. Tuy nhiên với hàng ngàn khách hàng như vậy, bạn không thể nào kiểm tra hết được. Do đó, hãy tạo một đường link (như trong hình) để họ có thể tự cập nhật lại thông tin của mình.
“Bấm vào đây để xem Email trên trình duyệt” có nghĩa là khi bấm vào đường link đó email sẽ chuyển sang dạng giống như landingpage.
Ứng dụng này giúp tránh các trường hợp email gửi tới khách hàng bị lỗi trên thiết bị, không hiển thị được hình (trên outlook)…
Hoặc bạn có thể ký tên làm thương hiệu cá nhân như ảnh dưới:
Như vậy, chúng ta đã đi qua toàn bộ cách viết email marketing hiệu quả. Nội dung được trình bày logic và theo thứ tự các bước để có thể tạo một Email Marketing chuẩn chỉnh, thân thiện với cả mail client và người dùng.
Theo: TriggerM